Vai Trò Của Nước Trong Canh Tác Cà Phê

Vai Trò Của Nước Trong Canh Tác Cà Phê

"Trải qua rất nhiều mùa vụ, người nông dân sẽ quan sát những đặc điểm riêng của khu vườn để rút ra kinh nghiệm chính xác nhất trong chuyện tưới tiêu, vì nếu tưới thừa nước hoặc thiếu nước cũng làm cây phát triển không đồng đều. Bởi vậy, làm nông đâu chỉ là chuyện gieo hạt rồi tưới cây đợi thu hoạch, đó là chuyện của những người dành cả đời để quan sát, chăm sóc khu vườn của mình một cách tỉ mẩn và niềm vui thầm lặng khi mưa thuận gió hoà"

Tưới tiêu là việc cung cấp nước có kiểm soát cho cây trồng, việc tưới nước giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, đạt năng suất kỳ vọng trong mùa khô, mặt khác còn giúp nhà nông kiểm soát thời gian ra hoa và quả chín đúng vụ thu hoạch.

Nước giữ vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng của cây, để cây lớn lên vững vàng – căng tràn sức sống. Với đặc điểm là loài cây ưa ẩm, cà phê cần môi trường đủ nước để sinh trưởng tốt nhất. Theo kinh nghiệm nhà nông, thời điểm ra hoa là lúc cây cà phê cần nhiều nước nhất (khoảng tháng 2 – tháng 3 khi cà phê ra hoa và bắt đầu cho đậu quả). Thừa nước hoặc thiếu nước cũng làm quá trình này bị gián đoạn, làm cho cây bị mất sức, dẫn đến khả năng đậu quả kém, kết quả là vụ mùa bị giảm năng suất.

Lượng nước và thời điểm tưới nước

Theo Hiệp hội cà phê BMT, 2021 Lượng nước tưới đủ đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu ra hoa, đậu quả và chống chịu được với điều kiện khô hạn, không thừa và cũng không thiếu. Tưới vừa đủ góp phần giảm chi phí giá thành, bảo vệ môi trường sinh thái. Căn cứ vào sự phân bố bộ rễ của cây cà phê, phân bố chủ yếu ở tầng 0 – 30 cm. Vì vậy chỉ cần tưới lượng nước đạt ở độ sâu tối đa 30 – 35 cm là phù hợp”.

Nhu cầu tưới tiêu trong canh tác cà phê

Chuẩn bị nước tưới cho vườn cà phê tại Gia Lai

“Ở những vùng trồng cà phê có mùa khô hạn kéo dài trên 4 tháng thì việc tưới nước quyết định khả năng sinh trưởng và năng suất cà phê. Tưới nước có tác dụng duy trì sinh trưởng của cây cà phê, đồng thời là điều kiện để cây ra hoa. Sau một thời kỳ khô hạn để phân hoá mầm hoa, cây được tưới đủ nước sẽ ra hoa tập trung. trong giai đoạn nở hoa, cây cần một lượng nước lớn hơn nhiều so với các giai đoạn khác, lúc này các hoạt động sinh lý trong cây diễn ra rất mạnh. Bên cạnh đó, ở giai đoạn này nếu thiếu nước kèm nhiệt độ không khí cao, ẩm độ không khí thấp, hoa cà phê sẽ phát triển bất bình thường và thành hoa sao, không thụ phấn được. Cũng có trường hợp hoa đã nhú mỏ sẻ nhưng bị thiếu nước, nên sẽ chuyển thành hoa chanh màu tím nhạt rồi khô rụng. Thiếu nước trầm trọng vào giai đoạn này có thể khiến hoa khô, thậm chí gây chết cành.” – WASI

Trải qua rất nhiều mùa vụ, người nông dân sẽ quan sát những đặc điểm riêng của khu vườn để rút ra kinh nghiệm chính xác nhất trong chuyện tưới tiêu, vì nếu tưới thừa nước hoặc thiếu nước cũng làm cây phát triển không đồng đều. Bởi vậy, làm nông đâu chỉ là chuyện gieo hạt rồi tưới cây đợi thu hoạch, đó là chuyện của những người dành cả đời để quan sát, chăm sóc khu vườn của mình một cách tỉ mẩn và niềm vui thầm lặng khi mưa thuận gió hoà.

Kỹ Thuật Tưới Trong Canh Tác Cà Phê

Theo WASI – Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, có 4 kỹ thuật tưới thường được sử dụng trong canh tác cà phê.

1. Kỹ thuật tưới phun mưa

Hệ thống tưới gồm một máy bơm có công suất từ 15 – 50 mã lực và hệ thống ống dẫn bằng kim loại nhẹ, thường được làm bằng hợp kim nhôm để dễ di chuyển bằng thủ công và cuối cùng là những vòi phun. Dưới tác động của áp suất trong hệ thống ống dẫn, các hạt nước thoát ra khỏi vòi phun dưới dạng những hạt mưa nhỏ.

kỹ thuật tưới phun mưa

Phương pháp tưới phun mưa

Kỹ thuật tưới phun mưa được sử dụng phổ biến nhất ở các nước trồng cà phê nhờ có chất lượng nước cao, nước tưới được phân bố đều khắp tán cây và hệ thống tưới có thể hoạt động bình thường ở những nơi có địa hình phức tạp nhiều đồi dốc, số lần tưới thấp, bình quân tưới 3 lần trong năm. Tổng kết của Ấn Độ cho thấy áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa đã có tác dụng cải thiện được điều kiện dinh dưỡng trong cây, giúp quả chín tập trung, chiều dài cành tăng gấp đôi và năng suất tăng từ 85 – 95% so với vườn không được tưới (Naidu, 2000).

Trở ngại chính của kỹ thuật tưới này là tiêu tốn nhiều nhiên liệu do đòi hỏi áp lực tại vòi phun khá cao, tổn thất nước khá nhiều đặc biệt là ở những vườn cà phê trồng thưa và những vùng có gió lớn. Đầu mùa khô ở Tây Nguyên là thời kỳ có vận tốc gió cao nhất, trên 2 m/giây.

2. Kỹ thuật tưới dí gốc

Việt Nam là nước duy nhất sử dụng phổ biến kỹ thuật tưới gốc cho cây cà phê. Hệ thống tưới gồm một động cơ có công suất từ 8 – 16 mã lực, máy bơm và hệ thống ống dẫn nước bằng nhựa. Theo phương pháp này nước được dẫn trực tiếp vào từng bồn đất được đào xung quanh mỗi gốc cây cà phê. Ưu điểm của kỹ thuật tưới gốc là trang thiết bị rẻ tiền, tổn thất nước ít, chi phí nhiên liệu thấp.

Hệ thống tưới được lắp đặt và tháo dỡ theo từng lần tưới nên dễ bảo vệ và phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, phân tán của Việt Nam. Số lần tưới thấp, bình quân tưới 3 lần trong năm. Nhược điểm chính của phương pháp tưới này là chi phí nhân công vận hành cao, thao tác nặng nhọc và đòi hỏi phải tạo bồn chứa nước xung quanh gốc. Nguyên nhân chính khiến nhiều nước trên thế giới không sử dụng phương pháp tưới gốc vì không tạo bồn để chứa nước tưới.

kỹ thuật tưới dí gốc

Phương pháp tưới dí gốc

Tại Việt Nam, phần lớn cà phê được trồng ở các vùng có mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Với 6 tháng mùa khô với gió nhiều và độ ẩm thấp thì việc tưới nước là công việc bắt buộc. Bằng kỹ thuật trồng âm khi trồng mới, phần cổ rễ của cây con được đặt thấp hơn mặt đất xung quanh từ 10 – 15 cm, những người trồng cà phê ở Việt Nam đã hạn chế được sự tổn thương của bộ rễ khi tiến hành đào bồn và cho phép sử dụng hiệu quả kỹ thuật tưới gốc.

Về quản lý tưới nước cho cà phê vối vào giai đoạn kinh doanh, các nghiên cứu của WASI từ 1995 – 1999 (Lê Ngọc Báu – 1999) đã xác định lượng nước tưới cho cà phê kinh doanh đối với tưới phun mưa từ 600 – 700 m3/ha/lần; đối với tưới dí từ 500 – 600 lít/gốc/lần với chu kỳ tưới là từ 20 – 25 ngày/lần. Tưới lần đầu thì lượng nước cao hơn so với định mức từ 10 – 15%. Trong các vườn cà phê áp dụng kỹ thuật tưới gốc thì tạo bồn là một kỹ thuật quan trọng nhằm giúp cây cà phê giữ nước khi tưới trong mùa khô. Đối với các vườn cà phê trồng trên đất dốc thì tạo bồn cũng là biện pháp hữu hiệu chống xói mòn, rửa trôi.

3. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt

Hệ thống tưới gồm có máy bơm, bể chứa phân bón, bộ lọc, các đường ống dẫn nước được lắp đặt cố định trong vườn cây, vòi nhỏ giọt và các van phân phối nước. Trong kỹ thuật tưới nhỏ giọt, nước và phân bón được cung cấp cho từng khoảnh đất trên cánh đồng và tập trung ở phần hoạt động chủ yếu của bộ rễ cây trồng, với lưu lượng rất nhỏ từ 2 – 6 lít/giờ nên hiệu quả sử dụng nước và phân bón rất cao. Một số vùng trồng cà phê ở Brazil, Bờ Biển Ngà và Ấn Độ đã sử dụng kỹ thuật tưới này (Azizuddin, 1994).

kỹ thuật tưới nhỏ giọt

Phương pháp tưới nhỏ giọt

Kỹ thuật tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm như tiết kiệm nước (30 – 50%), phân bón và công lao động. Kết quả nghiên cứu của Snoeck (1988) tại Bờ Biển Ngà cho thấy kỹ thuật tưới nhỏ giọt có thể tiết kiệm được 50% lượng nước tưới so với tưới phun mưa trong khi năng suất cà phê (tích lũy 2 năm) không có sự khác biệt giữa 2 phương pháp tưới. Tuy nhiên, kỹ thuật tưới nhỏ giọt có những hạn chế sau: trang thiết bị đắt tiền, đòi hỏi chất lượng nước tưới cao, chu kỳ tưới ngắn (1 – 10 ngày), hệ thống tưới được đặt cố định trên vườn cây. Trước đây, tưới nước nhỏ giọt được đưa vào thử nghiệm cho cây cà phê nhưng hạn chế quan trọng nhất là lưu lượng nước quá nhỏ (2 – 4 lít/giờ) của một van nhỏ giọt, không phù hợp với yêu cầu sinh lý ra hoa của cây cà phê là cần một lượng nước lớn để kích thích hoa nở tập trung (Hoàng Thanh Tiệm và Lê Ngọc Báu, 2000). Tuy nhiên gần đây, với việc cải tiến tăng số lượng van nhỏ giọt trên một gốc cà phê nên lượng nước cung cấp cũng tăng lên đáng kể và bước đầu cho thấy đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển cà phê.

4. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước phun mưa cục bộ

Trên cơ sở cải tiến kỹ thuật tưới nhỏ giọt, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước không sử dụng van tưới nhỏ giọt mà sử dụng béc phun mưa nhỏ nhằm tăng lưu lượng nước tưới tại mỗi vòi từ 60 – 90 lít/giờ đã đáp ứng yêu cầu nước của cây. Hệ thống tưới tiết kiệm nước được lắp đặt các van để điều chỉnh áp lực và lưu lượng nước tưới. Với chế độ tưới 360 lít/gốc cho lần đầu và 160 – 180 lít/gốc ở các lần tưới sau, chu kỳ tưới lần đầu 20 ngày và chu kỳ 10 ngày cho các lần sau đã có tác dụng giảm khoảng 20% lượng nước tưới, 20% lượng phân đạm, kali và trên 80% chi phí nhân công tưới nước (Lê Ngọc Báu và Phan Việt Hà, 2014).

kỹ thuật tưới phun mưa cục bộ

Kỹ thuật tưới tiết kiệm phun mưa cục bộ

Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vẫn giữ được những ưu điểm của kỹ thuật tưới nhỏ giọt như: tiết kiệm nước, tiết kiệm công tưới và nâng cao hiệu quả của phân bón. Mặt khác, do không lắp đặt vòi tưới nhỏ giọt nên không cần hệ thống lọc nước, van xả khí và giá thành của thiết bị thấp hơn so với hệ thống tưới nhỏ giọt (khoảng 30 – 70% của hệ thống tưới nhỏ giọt), toàn bộ thiết bị có thể sản xuất trong nước và có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, cũng giống như tưới nhỏ giọt, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước phun mưa cục bộ có một số nhược điểm là phải tưới nhiều lần trong năm, hệ thống tưới phải được lắp đặt cố định trong vườn cây nên dễ bị mất cắp.

Trong sản xuất, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được áp dụng có hiệu quả trên cây ăn quả, hồ tiêu và một số cây trồng khác ở Đồng Nai. Những kết quả bước đầu về nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tưới này trên cây cà phê ở Tây Nguyên cho thấy có khả năng tiết kiệm được 20% lượng nước tưới, 20% phân đạm và kali. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê đang được khảo nghiệm, đánh giá ở quy mô lớn trong sản xuất và có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu tiết kiệm nước và ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra.

Canh tác cà phê dưới bóng râm và lợi ích đối với tài nguyên nước

Thực tế tình trạng canh tác cà phê độc canh tại Viêt Nam cho thấy “thừa nước” chính là nỗi đau mà các chủ vườn gặp phải, đất trống không có khả năng giữ nước khiến lượng nước bị hao hụt là vô cùng lớn, điều này dẫn đến 2 hệ luỵ: Lãng phí tài nguyên nước và không đáp ứng điều kiện sinh trưởng cho cây.

Phương pháp canh tác theo mô hình vườn rừng cho phép cây cà phê đủ điều kiện sinh trưởng tốt nhất. Vườn cà phê đa dạng tầng tán sẽ có thiết kế các loại cây trồng phù hợp từ thấp đến cao, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái và bảo tồn nguồn nước trong đất. Các loại cây đặc trưng của vườn đa tầng tán bao gồm: cây thân gỗ che bóng; cây ở tầng thấp hơn; và lớp cỏ phủ bề mặt.

mô hình canh tác cà phê vườn rừng

Mô hình cảnh quan vườn rừng trong canh tác cà phê

Nói về lợi ích của việc đa dạng tầng tán, ta có thể hình dung:

  • Mặt đất luôn ẩm ướt, mát mẻ
  • Bộ rễ đa dạng của nhiều loại cây trồng sẽ giữ được nước mà không lo nước bị rửa trôi
  • Không tốn thêm nhiều nước vào mùa khô hạn, tiết kiệm rất nhiều tài nguyên

Một khi đã xây dựng được hệ sinh thái rừng trong sản xuất, người nông dân không còn loay hoay với câu chuyện tưới nước và chúng ta cũng không tốn quá nhiều kinh phí cho việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi. Bởi bản thân hệ sinh thái rừng trong sản xuất có khả năng tự “phục vụ” các nhu cầu của cây trồng và nó dễ dàng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại giá trị cao vì nó phù hợp với xu thế tiêu dùng của thế giới.

Tài liệu tham khảo

  • WASI – Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên – Các phương pháp tưới phổ biến trong sản xuất cà phê
  • The World Atlas of Coffee – The coffee tree

VỀ COFFEE CONCEPT

Là thương hiệu cà phê tiên phong vì sức khoẻ cộng đồng, Coffee Concept cam kết sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, đồng thời nói không với hoá chất phụ gia trong quy trình chế biến. Để mỗi túi cà phê thành phẩm đến với quý khách, chúng tôi trao gửi vào đó giá trị của quá trình cải tạo đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác tự nhiên và quy trình chế biến tỉ mỉ. Đảm bảo luôn là nơi trao gửi niềm tin đối với chủ shop kinh doanh quán và khách hàng cá nhân sử dụng cà phê rang mộc tại nhà.

Liên hệ

Mời quý khách hàng tham khảo và chọn mua các sản phẩm cà phê rang xay của Coffee Concept tại đây: Danh mục sản phẩm

________________

  • Số 5 Đường 7C, KP5, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
  • Hotline: (+84) 09 6586 7586
  • Email: salesadmin@coffeeconcept.vn

 

← Bài trước Bài sau →